Việt Nam chưa đạt được các tiêu chí của ngành sản xuất ô tô chăng?
Theo ông Long, nếu như chỉ bàn riêng cơ chế thuế cũng là một vấn đề lớn trong phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất ô tô.
Đây là thông tin được ông Trương Thanh Hoài, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) khẳng định tại cuộc họp với các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô để bàn về một số giải pháp phát triển ngành ô tô Việt Nam.
Theo ông Hoài, đến nay đã có nhiều doanh nghiệp sản xuất ô tô nội địa tham gia sâu vào chuỗi sản xuất ô tô toàn cầu và ở Việt Nam bước đầu cũng đã hình thành nên một ngành công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất ô tô. Tuy nhiên dù có nhiều nỗ lực nhưng chất lượng xe ô tô mặc dù có cải tiến nhưng không bằng xe nhập khẩu. Dù có các mốc thời điểm, cùng các tiêu chí nhưng nhìn chung đến nay vẫn chưa đạt được tiêu chí của ngành sản xuất ô tô thực sự. Phần lớn doanh nghiệp mới ở mức độ lắp ráp đơn giản trong khi các dây chuyền sản xuất chủ yếu gồm 4 công đoạn chính là: Hàn, sơn, lắp ráp, kiểm tra.
Theo lãnh đạo Vụ Công nghiệp nặng, mặc dù đề ra mục tiêu rất sớm nhưng đến nay tỉ lệ nội địa hoá đối với xe ô tô cá nhân đến 9 chỗ ngồi đạt thấp, bình quân khoảng 7%-10%. Thống kê cho thấy, tỷ lệ nội địa hóa của Thaco đạt 15-18%, Toyota Việt Nam đạt 37% đối với riêng dòng xe Innova, thấp hơn các mục tiêu đề ra.
Trong khi mục tiêu ban đầu là phải đạt tỷ lệ nội địa hóa đến 40% vào năm 2005, 60% vào năm 2010. Nguyên nhân chính của việc không đạt được mục tiêu nội địa hóa là do dung lượng thị trường nhỏ, một số chính sách về cơ khí, hay thuế phí thường xuyên thay đổi, chưa kể có những quy định chưa tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư vào các dự án quy mô lớn ở Việt Nam.
Ông Đào Phan Long, Phó Chủ tịch Hiệp hội cơ khí Việt Nam (VAMI ) cho rằng, câu hỏi Việt Nam có nên làm công nghiệp ô tô đã được đặt ra từ 20 năm trước và đến nay mọi chuyện vẫn như thế. Vấn đề đặt ra đó là thời điểm 2018 đã đến gần và các cam kết của ta với ASEAN về việc giảm thuế nhập khẩu sẽ phải thực thực hiện. Vì vậy, cần xác định rõ vai trò của doanh nghiệp thế nào, vai trò cơ quan quản lý nhà nước như thế nào.
“Ở các nước họ chỉ chọn một vài dòng xe ô tô để tập trung làm. Như ở nước ta Vinaxuki rất hăng hái làm xe ô tô nhưng vì cách làm nên bị đổ bể. Cần có chính sách để các doanh nghiệp phát triển.” ông Long đề xuất.
Theo ông Long, nếu như chỉ bàn riêng cơ chế thuế cũng là một vấn đề lớn trong phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất ô tô. Thuế giải quyết lợi nhuận cho nhiều doanh nghiệp, nhưng doanh nghiệp tham gia làm ô tô cho Việt Nam thì lợi nhuận và trách nhiệm Nhà nước sẽ hỗ trợ thế nào.
Leave a Reply