Thuế về 0%, giá xe ô tô vẫn khó giảm sâu vì sao?
Còn chuyên gia năng lượng, PGS-TS Nguyễn Lê Ninh có nhận định khác: “Vì lợi ích của người tiêu dùng và thương mại của Việt Nam trong
Đến đầu năm 2018, thuế nhập khẩu xe ô tô từ các nước trong khu vực ASEAN sẽ về 0%. Người tiêu dùng trong nước đang tràn đầy hy vọng khi được sở hữu ô tô với giá bằng ở Thái Lan, Malaysia…
Sẽ có nhiều dòng xe ô tô mới
Trao đổi với phóng viên, ông Phan Dương Cửu Long, Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Ford cho biết: “Hiện một chiếc xe hơi phải chịu 3 loại thuế đó là thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT. Nếu lưu hành thì chịu thêm thuế trước bạ, phí đăng kiểm, phí đường bộ. Với dòng xe ô tô phổ thông có giá 500 – 600 triệu đồng/chiếc, khi thuế nhập khẩu giảm 10% như vừa qua, giá bán ra chỉ giảm được khoảng 20 triệu đồng/chiếc. Loại cao giá hơn sẽ giảm đến 50 – 100 triệu đồng tùy loại”.
Hiện một chiếc xe hơi phải chịu 3 loại thuế: thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT. Nếu lưu hành thì chịu thêm thuế trước bạ, phí đăng kiểm, phí đường bộ. Với dòng xe phổ thông có giá 500 – 600 triệu đồng/chiếc, khi thuế nhập khẩu giảm 10% như vừa qua, giá bán ra chỉ giảm được khoảng 20 triệu đồng/chiếc. Loại cao giá hơn giảm đến 50 – 100 triệu đồng tùy loại
Ông Phan Dương Cửu Long, Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Ford
Như vậy, dựa trên lý thuyết, theo ước tính của một số nhà kinh doanh xe ô tô, khi thuế nhập khẩu về 0%, giá bán ra sẽ giảm tiếp 20% nữa. Tuy nhiên, những tỷ lệ đó theo nhiều nhà kinh doanh xe hơi, vẫn không bảo đảm bởi thực tế họ vẫn đang chờ thông tin chính thức từ nhà nước về chính sách thuế, phí sắp tới thế nào mới định giá bán ra được.
Ngoài ra, theo lời ông Long, lộ trình giảm thuế trong khu vực ASEAN khá lớn, nhưng nó cũng chỉ ảnh hưởng phân khúc xe ô tô cao cấp, dung tích xi lanh trên 3.0, có giá bán vài tỉ đồng trở lên, lúc đó mới thấy rõ sự chênh lệch về thuế nhập khẩu.
Bởi thực tế, các liên doanh xe ô tô hiện nay vừa là nhà nhập khẩu độc quyền các thương hiệu họ đang lắp ráp trong nước, vừa trực tiếp lắp ráp. Thế nên, họ rất cẩn trọng trong việc chọn lựa nhập khẩu các dòng xe và chắc chắn không doanh nghiệp nào dại dột nhập khẩu các dòng xe có khả năng cạnh tranh với dòng xe mà chính họ đang lắp ráp trong nước. Hơn nữa, các thị trường nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ khu vực ASEAN theo ông Hải lâu nay chỉ với các dòng xe bán tải, mà dòng xe này thuế nhập khẩu hiện tại chỉ 5%, nên nếu như thuế về 0%, giá bán không thay đổi nhiều. Tuy nhiên, điểm tích cực theo ông Hải, dự đến năm 2018 sẽ có nhiều mẫu xe mới được nhập khẩu từ khu vực ASEAN. Như vậy, sự cạnh tranh về chủng loại xe ô tô sẽ gia tăng đáng kể.
Cụ thể hơn, ông Nguyễn Văn Thành, chủ đại lý ô tô tại TP.HCM dẫn chứng, giá các dòng xe ô tô phổ thông như Yaris (Toyota) đến 2018 sẽ giảm thêm khoảng 130 triệu đồng/chiếc. “Chắc chắn giá xe nhập khẩu nguyên chiếc sẽ thấp hơn giá xe ô tô lắp ráp trong nước, bởi hiện tại giá thành xe trong nước cũng khá cao so với các nước trong khu vực. Hơn nữa, khi nhiều loại xe ô tô được nhập vào với mức giá phổ thông, người tiêu dùng có nhiều chọn lựa hơn. Nếu như nhà lắp ráp trong nước không gia tăng đầu tư công nghệ để giảm giá thành, rất khó tồn tại”, ông Thành dự báo.
Nhà lắp ráp ô tô trong nước hụt hơi
Chuyên gia năng lượng, TS Khương Quang Đồng, người từng có nhiều bài viết và dự báo liên quan đến ngành công nghiệp ô tô Việt Nam cho rằng thực tế xe lắp ráp từ Thái Lan rẻ gần bằng nửa giá thành xe lắp ráp tại Việt Nam.
Thế nên, với các chính sách thuế giảm theo lộ trình sắp tới, theo lý thuyết thông thường, xe lắp ráp tại Việt Nam khó tồn tại. “Các xưởng lắp ráp ô tô tại Thái Lan sản xuất một lần hàng ngàn chiếc, nên họ đầu tư hệ thống tự động rất cao. Siết ốc vít các loại đều bằng máy, nhưng tốn rất nhiều tiền để đầu tư ban đầu. Các nhà lắp ráp ô tô Việt Nam, số lượng sản xuất rất thấp, rất khó đầu tư tự động hoàn toàn, nên nhiều công đoạn vẫn thực hiện bằng thủ công sẽ khiến giá thành khó cạnh tranh là vậy.” TS Đồng phân tích và nói thêm, mặc dù đã đắt mà chất lượng khó đồng đều trong bối cảnh có quá nhiều lựa chọn và giá nhập thấp hơn, chắc chắn ô tô lắp ráp trong nước sẽ hụt hơi.
Tuy nhiên, cũng như nhiều nhận định từ các nhà kinh doanh, TS Đồng cho rằng việc giá xe Việt Nam giảm hay không còn phụ thuộc vào chính sách của Chính phủ. “Theo tôi được biết, Chính phủ hiện vẫn giữ quan điểm tăng thu thuế môi trường, thuế xăng dầu, phí cầu đường, thuế tiêu thụ đặc biệt… để bù đắp vào khoản thiếu hụt ngân sách, thì lúc đó xe hơi vẫn là một sản phẩm xa xỉ với người Việt.” ông Đồng nói. Ông cũng cho rằng, thực tế Việt Nam không có ngành công nghiệp ô tô, mà chỉ lắp ráp gia công. Thế nên, nếu có “chết” cũng sẽ không tiếc, bởi nó trong quy luật của thị trường. Đầu tư vào công nghiệp ô tô là sự đầu tư lớn, có chiến lược mà Việt Nam đã đi sai chiến lược ngay từ đầu. “Nước Mỹ dưới thời ông Barack Obama, Việt Nam lúc đó vẫn đang hy vọng vào Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), tôi có đưa ra nhận định rằng TPP sẽ giúp hồi sinh công nghiệp ô tô Việt Nam. Tuy nhiên, khi Mỹ có Tổng thống mới, tôi khẳng định, cánh cửa phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam đã hết. Hiện tại, có nhiều hãng sản xuất ô tô ngoại đã và đang “úp mở” chuyện rút lui khỏi thị trường Việt Nam hoặc ngưng đầu tư. Chúng ta chỉ còn doanh nghiệp lắp ráp và gia công phát triển mạnh nhưng nếu đối tác của các doanh nghiệp này cũng tuyên bố đầu tư vào các nước trong khối ASEAN mà không phải Việt Nam thì họ sẽ gặp khó khăn”, ông Đồng nói.
Còn chuyên gia năng lượng, PGS-TS Nguyễn Lê Ninh có nhận định khác: “Vì lợi ích của người tiêu dùng và thương mại của Việt Nam trong nội khối, giá xe nhập chắc chắn sẽ giảm. Nhưng với thị trường Việt Nam, sau 2018 thì xe hơi vẫn là mặt hàng xa xỉ, chưa phải là phương tiện sử dụng phổ thông, nên dự báo các loại thuế, phí sẽ tăng, nhất là phí về môi trường. Và như vậy, các nhà lắp ráp trong nước vẫn còn cơ hội. Hãy thay đổi chiến lược đầu tư, gia tăng tự động hóa là việc bắt buộc phải làm của các nhà sản xuất lắp ráp trong tương lai.”
Tỏ ra khá sốt ruột, ông Phan Dương Cửu Long cho rằng đã đến lúc các cơ quan quản lý nhà nước cần sớm công bố về các chính sách thuế một cách rõ ràng để các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ô tô nội địa tính toán trong kế hoạch của mình. “Bởi lộ trình giảm thuế chung là như vậy, nhưng mỗi năm Quốc hội, Chính phủ đều ra công bố các mức thuế, phí cụ thể đối với mặt hàng ô tô. Trong vòng 1 – 2 tháng tới nhà nước cần chính thức công bố lộ trình tăng giảm thuế trong năm để các hãng có thông tin đến với khách hàng” ông Long đề nghị.
Leave a Reply