Thị trường ô tô Việt tăng trưởng chóng mặt trong năm qua
Theo định hướng phát triển ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam giai đoạn 2010 – 2020, tỉ lệ nội địa hóa đối với sản phẩm ô tô là phải
Mặc dù dung lượng rất nhỏ nhưng thị trường ô tô Việt Nam tăng trưởng cao thứ hai trên thế giới trong năm 2016 vừa qua, với mức tăng 27,1%, chỉ xếp sau Singapore và trở thành một trong những thị trường phát triển nóng của thế giới.
Việt Nam thị trường nhỏ nhưng “lớn nhanh”
Theo số liệu của JATO trụ sở tại Anh, thống kê và phân tích dữ liệu đối với xe ô tô du lịch, xe bán tải và thương mại hạng nhẹ từ 52 thị trường ô tô trên thế giới, Việt Nam với lượng tiêu thụ 228.478 xe đã xếp thứ 34 xét về quy mô thị trường, đạt mức tăng trưởng 27,1%, chỉ sau Singapore với 48,2%. Thống kê này cũng cho thấy, mặc dù về quy mô, Việt Nam không phải là một thị trường ô tô lớn, nhưng vẫn là một thị trường khá tiềm năng, giữ các thương hiệu xe lớn trên thế giới tiếp tục đẩy mạnh bán hàng.
Thống kê thị trường ô tô của 52 nước trong năm 2016 của JATO.
Thống kê thị trường ô tô của 52 nước trong năm 2016 của JATO
Trong một cuộc gặp với phóng viên cuối năm 2016, nguyên Tổng Giám đốc Toyota Việt Nam – Yoshihisa Maruta cũng đã chia sẻ mong muốn “bám trụ” lâu dài tại Việt Nam, khi mà với dân số trẻ lên tới hơn 90 triệu người cùng mức nhập GDP đã trên 2.200 USD và đặc biệt là số lượng xe mới có khoảng 2 triệu chiếc, thị trường Việt Nam có đầy đủ điều kiện để có thể phát triển nền công nghiệp ô tô thực sự.
Tuy nhiên, đấy mới chỉ là điều kiện Cần, trong khi đó điều kiện Đủ là chính sách thuế, đầu tư cơ sở hạ tầng và sự phát triển của công nghiệp phụ trợ vẫn là những ẩn số mà cho đến thời điểm những thỏa thuận về thuế quan trong khu vực thương mại tự do của ASEAN được thực hiện đầy đủ.
Thị trường ô tô Việt tiềm năng – Cho lắp ráp hay nhập khẩu nguyên chiếc?
Nếu thị trường ô tô Việt Nam có đầy đủ các yếu tố tiềm năng để phát triển thì liệu đây là cơ hội cho việc lắp ráp trong nước hay cho các “nhà buôn” nhập khẩu nguyên chiếc? Câu trả lời đã ngày càng trở nên rõ nét khi ngày càng nhiều các thương hiệu của Nhật Bản tại Việt Nam đang chuyển sang nhập khẩu nguyên chiếc; Mitsubishi Pajero Sport vốn được lắp ráp cũng chuyển sang nhập khẩu, bên cạnh các mẫu xe du lịch cỡ nhỏ đến từ Thái Lan Mirage, Attrage hay các mẫu xe đa dụng như: Outlander/Outlander Sport, Toyota Fortuner nhập khẩu từ Indonesia từ năm nay thay vì lắp ráp trong nước, mẫu xe Honda Civic cũng không còn được lắp tại Vĩnh Phúc mà nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan, Suzuki nhập khẩu Ertiga từ Indonesia, và thậm chí cả Ford Everest đã được nhập khẩu từ Thái Lan, thay vì lắp ráp tại nhà máy ở Hải Dương.
Mặc dù là mẫu xe được bán nhiều nhất phân khúc SUV tại Việt Nam với hơn 11.500 xe bán ra nhưng từ năm 2017, mẫu xe này nhập khẩu nguyên chiếc từ Indonesia thay vì lắp ráp trong nước
Mới đây, đại diện tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TP. HCM cho biết một số hãng ô tô Nhật Bản có thể sẽ tính tới chuyện rút hoạt động lắp ráp tại thị trường Việt Nam, chuyển sang nhập khẩu ô tô từ các nước lân cận như Thái Lan, Indonesia…, với nguyên nhân chính là ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam mới chỉ đáp ứng một phần nhu cầu của các công ty Nhật Bản.
Ngoài ra, một thực tế cần nhìn nhận là thị trường Việt Nam là nước đi sau trong khu vực như: Thái Lan, Indonesia, Malaysia, nên trước khi đầu tư dự án lắp ráp xe tại Việt Nam, các tập đoàn ô tô lớn hiện đều đã có các dự án sản xuất ô tô con có qui mô lớn, với các dự án sản xuất ô tô thường được tính toán cho thị trường khu vực, chứ không tính riêng cho quốc gia đặt nhà máy sản xuất.
Trong khi đó, năm 2014 mục tiêu của Chính phủ đưa ra trong chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 có mục tiêu đối với xe ô tô sản xuất trong nước trong năm 2020 phải đáp ứng khoảng 67% nhu cầu nội địa. Sản xuất trong nước đạt xấp xỉ 227.500 xe trong năm 2020 với 114 nghìn xe 9 chỗ, gần 98 nghìn xe tải, hơn 1.340 xe chuyên dụng cùng hơn 29 nghìn xe ô tô từ 10 chỗ trở lên.
Chính vì vậy, với xu hướng chuyển sang nhập khẩu nguyên chiếc thay vì được lắp ráp trong nước, nếu không có những quyết sách và đầu tư hợp lí, một lần nữa chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam tiếp tục có nguy cơ không trở thành hiện thực.
Có hay không phát triển công nghiệp phụ trợ?
Bộ Công Thương, cơ quan có trách nhiệm quản lí phát triển ngành công nghiệp ô tô và cả ngành công nghiệp phụ trợ, cũng thừa nhận rằng do dung lượng thị trường nội địa nhỏ nhưng lại có nhiều thương hiệu, cũng như nhiều sản phẩm khác nhau nên thị phần của từng thương hiệu bị chia nhỏ. Điều này đã dẫn đến dung lượng sản xuất của ngành công nghiệp phụ trợ nhỏ không còn đáp ứng được đòi hỏi về hiệu quả kinh tế trong sản xuất công nghiệp. Chính vì vậy nền công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam còn manh mún, năng lực sản xuất thấp, dẫn đến không thể cạnh tranh cùng các nhà cung cấp khác tại các thị trường lâu đời trong khu vực đến từ Thái Lan, hay Malaysia.
Ngoài ra, một lí do nữa là việc các nguyên vật liệu dành cho công nghiệp phụ trợ như thép chất lượng cao, cao su, nhựa và chất dẻo nước ta đều phải nhập khẩu. Điều này đã khiến các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp phụ trợ không có được lợi thế về cạnh tranh.
Để lắp ráp một chiếc xe ô tô cần 20.000 – 30.000 chi tiết, trong khi các nhà sản xuất linh kiện trong nước mới chỉ đáp ứng được 200 linh kiện, với hầu hết là những chi tiết đơn giản, có trình độ khoa học kỹ thuật không cao như: Lốp xe, ắc-quy, bộ dây điện, gương, kính, ghế ngồi…
Theo định hướng phát triển ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam giai đoạn 2010 – 2020, tỉ lệ nội địa hóa đối với sản phẩm ô tô là phải đạt mức 60% cho tất cả các loại xe. Tuy nhiên cho đến nay, mức trung bình đối với xe ô tô tới 9 chỗ chỉ đạt trung bình 15%, đối với xe trên 10 chỗ cũng khoảng 30%. Trong khi đó, một số doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp xe ô tô trong nước như: Trường Hải, Hyundai Thành Công, tỉ lệ nội địa hóa ở sản phẩm hiện được người tiêu dùng quan tâm với các nhãn hiệu như KIA, Hyundai, Mazda… cũng chỉ đạt bình quân khoảng 7-10%, Trường Hải đạt 15-18%, Toyota Việt Nam đạt 37% với riêng dòng xe Innova…
Quyết định 1168/QĐ-TTg ngày 16/7/2014 do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã kí phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 với mục tiêu như sau:
Về phát triển công nghiệp hỗ trợ, mục tiêu của chiến lược là giai đoạn đến năm 2020 cơ bản hình thành ngành công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất ô tô; phấn đấu đáp ứng khoảng 35% tính theo giá trị nhu cầu về linh kiện, phụ tùng cho sản xuất lắp ráp ô tô trong nước. Giai đoạn 2021 – 2025 sẽ bắt đầu sản xuất một số chi tiết trong bộ truyền động, hộp số…, từng bước tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của ngành công nghiệp ô tô thế giới. Giai đoạn 2026 – 2035 phấn đầu trở thành nhà cung cấp quan trọng nhiều loại linh kiện, phụ tùng cho ngành công nghiệp ô tô trong khu vực và thế giới. Đáp ứng trên 65% tính theo giá trị nhu cầu về linh kiện, phụ tùng cho sản xuất lắp ráp ô tô trong nước.
Leave a Reply